Một số trò chơi dân gian Nhật Bản (Phần 2)

Chào mừng các bạn đã trở lại với chuyên mục văn hoá – giải trí – du lịch của GoToJapan!

Trong tiểu mục văn hoá lần trước, chúng mình đã tìm hiểu về 2 trò chơi dân gian là Karuta và Hanetsuki. Hôm nay, chúng mình sẽ cùng đi khám phá 2 trò chơi khác cũng nổi tiếng không kém là Fukuwarai và Shiritori nhé các bạn.

1. Fukuwarai – Trò chơi ghép mặt người

Từ “Fukuwarai” được viết bằng chữ Hán 福笑い, nghĩa đen là “khuôn mặt cười hạnh phúc”. Không rõ trò chơi này có nguồn gốc từ đâu, nhưng nó đã xuất hiện từ nửa sau thời kì Edo và dần trở thành một trò chơi truyền thống của người dân Nhật Bản mỗi dịp Tết đến.

Fukuwarai có thể có nhiều người chơi cùng lúc. Mỗi người chơi sẽ được đưa cho một tờ giấy có in một khuôn mặt người trống trơn, chưa có lông mày, mắt, mũi, miệng; và thường là một trong hai khuôn mặt Okame (người phụ nữ) hoặc Hyottoko (người đàn ông).

Một ông lão đang chơi Fukuwarai.

Một ông lão đang chơi Fukuwarai.

Nhiệm vụ của người chơi là sắp xếp đúng từng bộ phận vào vị trí của chúng trong khi bị bịt mắt. Sau khi mở khăn bịt mắt ra, các người chơi sẽ cùng chiêm ngưỡng “tác phẩm” của mình xem ai xếp được ra khuôn mặt buồn cười nhất.

Tục ngữ Nhật Bản có câu 笑う門には福が来る – Hạnh phúc sẽ đến với ai hay mỉm cười, do đó Fukuwarai được coi là trò chơi giúp cả gia đình giải toả căng thẳng và hâm nóng không khí ngày Tết, cầu mong cho năm mới tốt đẹp, nhiều may mắn.

Một nhóm người chơi đang trải nghiệm Fukuwarai trong một sự kiện văn hoá.

Một nhóm người chơi đang trải nghiệm Fukuwarai trong một sự kiện văn hoá.

2. Shiritori – Trò chơi nối từ

Từ “Shiritori” vốn được viết bằng chữ Hán 尻取, nghĩa đen là “lấy đi phần đuôi”, chính là chỉ việc lấy đi chữ cái cuối của từ trước làm chữ cái đầu của từ sau. Về cơ bản, trò chơi này cũng không khác nhiều so với phiên bản tiếng Anh.

Shiritori thường có nhiều người chơi, mỗi người chơi lần lượt nói ra từ của mình, trong đó chữ cái cuối của từ trước phải trùng với chữ cái đầu của từ sau. Ví dụ: さく → ラジ → おにぎ → り → すも →うど.

Cách nối từ trong Shiritori.

Cách nối từ trong Shiritori.

Tuy nhiên, trong tiếng Nhật có một âm tiết/chữ cái đặc biệt là ん. Không có từ nào bắt đầu bằng chữ cái này cả, cho nên người nói ra từ うどん ở trên sẽ bị tính là người thua cuộc. Ngoài ra, trò chơi này còn có một số luật chơi nâng cao hơn đối với các trường hợp từ có biến âm/trường âm.

Shiritori vừa là một trò chơi rèn luyện phản xạ, nhưng cũng là một trò chơi hỗ trợ mở rộng vốn từ vựng một cách nhẹ nhàng và hiệu quả, rất phù hợp với người học tiếng Nhật.

Vậy là qua bài viết ngày hôm nay, chúng mình đã biết thêm nhiều điều thú vị về 2 trò chơi Fukuwarai và Shiritori rồi. Các bạn còn muốn tìm hiểu về trò chơi nào nữa không? Hãy comment bên dưới cho chúng mình biết nhé!

———-

TRUNG TÂM DU HỌC VÀ NHẬT NGỮ GOTOJAPAN
– Hotline tư vấn : 0963 682 333 / 0246 276 5022
– Email: hoa.gotojapan@gmail.com
– Địa chỉ: 17 ngách 10 ngõ 121 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội, Hà Nội

DANH MỤC :