Setsubun – một trong những phong tục mùa xuân tại Nhật Bản

Setsubun là gì?

Setsubun (節分) trong tiếng Nhật vốn có nghĩa là “giao mùa”, chỉ chung thời điểm chuyển mùa của cả 4 mùa, tuy nhiên dần dần thu gọn lại chỉ còn mùa xuân.

Theo lịch truyền thống Nhật Bản, Setsubun là ngày ngay trước ngày lập xuân (立春 – Risshun), hiện nay thường được tổ chức vào ngày 2, 3 hoặc 4/2 tuỳ năm. Năm 2022, Setsubun vừa được tổ chức vào ngày 3/2 vừa qua.

Setsubun mang ý nghĩa gì?

Theo quan niệm truyền thống, thời điểm giao mùa là dịp ma quỷ thường đi quấy phá nhân gian, do đó Setsubun mang ý nghĩa thanh tẩy, xua đuổi những vận rủi trong năm cũ để đón chào năm mới đến. Đi kèm với đó là một số phong tục mang ý nghĩa cầu may dưới đây.

Hình tượng quỷ trong dịp Setsubun theo quan niệm của người Nhật.

Hình tượng quỷ trong dịp Setsubun theo quan niệm của người Nhật.

Người Nhật làm gì trong dịp Setsubun?

Ném đậu – Mamemaki (豆撒き)

Đây là phong tục được biết đến nhiều nhất trong dịp Setsubun, với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ và những điều không may mắn trong năm cũ.

Nguyên liệu cần có chính là những hạt đậu nành rang, được gọi là Fukumame (福豆 – đậu phúc), và một chiếc mặt nạ quỷ. Chiếc mặt nạ quỷ sẽ được một thành viên trong gia đình đeo, thường là nam chủ hộ hoặc là người sinh vào năm trùng với con giáp của năm mới.

Các thành viên trong gia đình sẽ ném những hạt đậu rang vào người đeo mặt nạ quỷ hoặc ném ra phía cửa chính nhà mình, vừa ném vừa hô to「鬼は外!福は内!– Oni wa soto! Fuku wa uchi! 」(Ma quỷ cút đi! Hạnh phúc vào nhà!). Tuỳ từng vùng khác nhau mà câu nói trên có thể có nhiều biến thể khác nhau.

Sau đó, mỗi người đều sẽ ăn những hạt đậu đã được ném xuống, thường số hạt đậu sẽ bằng với số tuổi của người đó, cộng thêm 1 hạt để lấy may trong năm mới.

Mamemaki tại một gia đình Nhật Bản, trong đó người bố đóng vai quỷ.

Mamemaki tại một gia đình Nhật Bản, trong đó người bố đóng vai quỷ.

Ăn Ehoumaki (恵方巻)

Một phong tục phổ biến khác là ăn Ehoumaki, với ý nghĩa cầu phúc trong năm mới.

Trước đây, tục ăn Ehoumaki chỉ có ở vùng Kansai, tuy nhiên dần dần phong tục này đã trở nên phổ biến trên toàn nước Nhật và được coi là một truyền thống trong ngày Setsubun.

Ehoumaki là một loại makizushi (cơm cuộn), nhưng không được cắt thành miếng mà để nguyên ở dạng cuộn dài.

Cuộn cơm có thể có nhiều loại nhân như kanpyou (干瓢 – quả bầu khô xắt sợi), trứng, lươn, nấm shiitake (nấm hương), v.v, tuy nhiên số lượng nhân thường là 7 – con số may mắn theo quan niệm của người Nhật.

Các thành viên trong gia đình sẽ ăn Ehoumaki trong yên lặng, không được nói chuyện, và khi ăn phải ngồi quay về hướng may mắn của năm đó. Cũng chính vì vậy mà cuộn cơm mới được gọi là Ehoumaki, hai chữ Ehou (恵方) mang ý nghĩa “hướng may mắn”.

Cuộn cơm Ehoumaki, dài khoảng 20 cm.

Cuộn cơm Ehoumaki, dài khoảng 20 cm.

Treo đầu cá mòi lên cành cây nhựa ruồi trước cửa nhà – Hiiragi Iwashi (柊鰯)

Tương truyền, phong tục cắm cành nhựa ruồi trước cửa nhà trong năm mới đã có từ thời Heian và được phổ biến rộng rãi vào thời Edo.

Hiiragi Iwashi gồm một cành nhựa ruồi nhỏmột chiếc đầu cá mòi nướng. Chiếc đầu cá mòi thường được cắm trên cành nhựa ruồi, sau đó đem treo lên trước cửa nhà.

Lá cây nhựa ruồi có gai, những chiếc gai này sẽ đâm vào mắt quỷ, không cho chúng vào nhà. Đầu cá mòi thì toả ra mùi khó chịu, khiến ma quỷ không dám lảng vảng gần nơi con người ở nữa. Ở một số địa phương, đầu cá mòi còn có thể được thay thế bằng tỏi hoặc củ kiệu – 2 loại gia vị với mùi hăng đặc trưng.

Cành nhựa ruồi cùng đầu cá mòi nướng treo trước cửa một ngôi nhà trong dịp Setsubun.

Cành nhựa ruồi cùng đầu cá mòi nướng treo trước cửa một ngôi nhà trong dịp Setsubun.

———-

TRUNG TÂM DU HỌC VÀ NHẬT NGỮ GOTOJAPAN
– Hotline tư vấn : 0963 682 333 / 0246 276 5022
– Email: hoa.gotojapan@gmail.com
– Địa chỉ: 17 ngách 10 ngõ 121 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội, Hà Nội

DANH MỤC :