Con dấu Hanko

Chào mừng các bạn đã trở lại chuyên mục Văn hóa – giải trí của GoToJapan. Hôm nay, các bạn hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu về những con dấu Hanko của người Nhật nhé.

1. Hanko là gì?

Hanko (判子) hay còn gọi là Inkan (印鑑) là một con dấu khắc được làm từ nhiều chất liệu khác nhau (cao su, nhựa, gỗ,…), trên mặt dấu có ghi họ tên của người sở hữu (thường là họ hoặc tên họ đầy đủ với người Nhật và tên phiên âm Katakana với người nước ngoài).

Những con dấu này có thể thay cho chữ kí cá nhân của bạn hoặc của người đại diện doanh nghiệp trong các hợp đồng, các thủ tục hành chính, ngân hàng, và thậm chí cả khi gửi và nhận các bưu kiện. Trong mỗi trường hợp này, chất liệu và hình dáng con dấu có thể khác nhau.

Các con dấu được bày bán tại cửa hàng.

Các con dấu được bày bán tại cửa hàng.

2. Hanko có từ bao giờ?

Hanko đầu tiên xuất hiện tại Nhật Bản là một con dấu bằng vàng có niên đại từ năm 57. Nó được Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú ban cho Nô Quốc (奴国) – một đất nước nhỏ với vị trí ở gần thành phố Fukuoka ngày nay.

Ban đầu, Hanko chỉ được sử dụng bởi Thiên hoàng và các quan lại thân cận để thể hiện quyền lực của mình. Đến thế kỉ 8, họ mới bắt đầu sử dụng Hanko cho các tài liệu quan trọng của nhà nước. Cũng trong thời kì này, quý tộc Nhật Bản cũng bắt đầu sở hữu những con dấu cá nhân, và xu hướng này lan rộng sang cả các Samurai trong những năm sau đó. Tới thời kì Edo, những thương nhân và thậm chí là những nông dân đều có con dấu riêng của mình.

Hệ thống Hanko như ngày nay được khởi xướng từ năm 1870 dưới thời Meiji. Chính quyền lúc đó đã ban hành một đạo luật yêu cầu người dân phải đăng kí con dấu với chính quyền để sử dụng cho các giao dịch cá nhân và pháp luật quan trọng.

Mặt con dấu vàng được Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú ban cho Nô Quốc.

Mặt con dấu vàng được Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú ban cho Nô Quốc.

3. Các loại Hanko

– Jitsuin (実印): Con dấu được đăng kí hợp pháp với chính quyền địa phương nơi bạn ở và được sử dụng trong các giao dịch hành chính, pháp luật như mua nhà, mua xe, đăng kí kết hôn, kí hợp đồng,… Sau khi đăng kí, bạn sẽ được cấp “Thẻ đăng kí con dấu (印鑑登録証)”. Bạn cần đem giấy này theo để in “Giấy chứng nhận con dấu (印鑑登録証明書)” – tờ giấy chứng minh con dấu là của bạn và đã được đăng kí hợp pháp, rất cần khi kí các giao dịch.

Chính vì quan trọng như vậy nên kích thước và chất liệu làm nên Jitsuin bắt buộc phải tuân theo một số tiêu chuẩn nhất định (những tiêu chuẩn này có thể khác nhau tùy từng địa phương). Do những yêu cầu như vậy mà Jitsuin thường được khắc bằng tay tại các cửa hàng khắc dấu (判子屋さん), và có giá không hề rẻ, thấp nhất là khoảng 2,000 yên và có thể lên tới 10,000 yên/con dấu.

Jitsuin thường được cất giữ cẩn thận trong hộp.

Jitsuin thường được cất giữ cẩn thận trong hộp.

– Ginkouin (銀行印): Con dấu được đăng kí hợp pháp với ngân hàng nơi bạn mở tài khoản và được sử dụng trong các giao dịch tài chính – ngân hàng. Về cơ bản thì con dấu này cũng giống như Jitsuin, nhưng vì là con dấu trong giao dịch với ngân hàng nên tiêu chuẩn cho con dấu này cũng tùy thuộc vào từng ngân hàng quy định. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn cơ bản nhất về hình dáng, kích thước và chất liệu dấu, tên họ người sở hữu thì vẫn giống như Jitsuin.

Vì tính bảo mật trong các giao dịch nên Ginkouin cũng thường được khắc bằng tay. Với người nước ngoài, một số ngân hàng có thể không yêu cầu Ginkouin, nhưng nếu bạn muốn thành lập công ty ở Nhật, bạn nhất định cần phải có 1 con dấu này.

Khi mở tài khoản ngân hàng, bạn cũng sẽ phải đóng dấu vào giấy tờ như thế này.

Khi mở tài khoản ngân hàng, bạn cũng sẽ phải đóng dấu vào giấy tờ như thế này.

– Mitomein (認印): Con dấu này là con dấu có tính bảo mật thấp nhất, không cần đăng kí, được sử dụng trong các giao dịch hằng ngày như gửi và nhận bưu kiện; kí các hóa đơn sinh hoạt, xác nhận thư cá nhân,… Do đó, không có tiêu chuẩn cụ thể nào về hình dáng, kích thước cho Mitomein, tuy nhiên thông thường con dấu của nữ sẽ nhỏ hơn của nam, của cấp dưới sẽ nhỏ hơn của cấp trên.

Mitomein có thể được bán sẵn tại các cửa hàng văn phòng phẩm hoặc máy bán con dấu tự động với giá chỉ từ 100 yên, tuy nhiên người nước ngoài sẽ khó để tìm con dấu có khắc chính xác tên mình. Do đó, trong một số trường hợp, các bạn có thể dùng chữ kí thay cho Mitomein.

Một số mẫu Mitomein.

Một số mẫu Mitomein.

Nghe cũng hơi rắc rối các bạn nhỉ? Chính vì rắc rối như vậy mà đã có một số ý kiến mong muốn bỏ Hanko để đơn giản hoá các giao dịch và phù hợp hơn với thời đại chuyển đổi số, nhưng chắc chắn quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian.

Do đó, bạn nào sắp tới sang Nhật thì vẫn nên có cho mình một con dấu, và nếu được thì nên làm từ khi ở Việt Nam để tiết kiệm chi phí nhé. Tại Hà Nội, có rất nhiều công ty khắc dấu uy tín sẵn sàng phục vụ các bạn, ngoài ra, bạn nào thích sở hữu con dấu khắc tay thì có thể lên phố Hàng Quạt nha.

———-
TRUNG TÂM DU HỌC VÀ NHẬT NGỮ GOTOJAPAN
– Hotline tư vấn : 0963 682 333 / 0246 276 5022
– Email: hoa.gotojapan@gmail.com
– Địa chỉ: 17 ngách 10 ngõ 121 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội, Hà Nội

DANH MỤC :