Hinamatsuri – Ngày lễ của những bé gái tại Nhật Bản

Hinamatsuri là gì?

Ngày lễ bé gái – hay còn được gọi với cái tên thông dụng hơn là Hinamatsuri (雛祭り– Lễ hội búp bê) – là một ngày lễ truyền thống với mong muốn cầu sức khoẻ và hạnh phúc cho các bé gái.

Cái tên Hinamatsuri xuất phát từ việc trưng bày những con búp bê Hina (雛人形) trong nhà vào dịp lễ. Ngoài ra, do thời điểm tổ chức ngày lễ trùng với dịp hoa đào nở, nên ngày lễ này còn được gọi là Momo no Sekku (桃の節句 – Lễ hội hoa đào).

Hinamatsuri cùng với ngày lễ bé trai 5/5 tạo thành cặp đôi ngày lễ truyền thống cho trẻ em tại Nhật Bản. Thực chất, từ năm 1948, Chính phủ Nhật Bản đã biến ngày 5/5 trở thành Ngày Thiếu nhi (こどもの日) chung cho cả các bé gái và bé gái, tuy nhiên theo truyền thống, ngày 5/5 vẫn là ngày lễ dành cho các bé trai. Do đó, Hinamatsuri vẫn tiếp tục được tổ chức vào ngày 3/3 cho đến ngày nay.

Hai bé gái trong dịp Hinamatsuri. (Ảnh: https://www.ajo.vn/)

Hai bé gái trong dịp Hinamatsuri. (Ảnh: https://www.ajo.vn/)

Người Nhật làm gì trong dịp lễ Hinamatsuri?

Trưng bày búp bê Hina

Từ thời xa xưa, người Nhật đã tin rằng búp bê có thể giúp con người hứng chịu những điều không may mắn. Do đó, khi đến dịp Hinamatsuri, các gia đình có con gái thường làm búp bê bằng giấy hoặc rơm, sau đó thả trôi sông để xua đi vận rủi. Hành động này gọi là Hina nagashi (雛流し). Dần dần, đến thời Edo (1603 – 1868), Hina nagashi đã trở thành phong tục trưng bày búp bê, với mong muốn những con búp bê sẽ bảo vệ và đem lại bình an cho các bé gái.

Bộ búp bê Hina với 7 tầng. (Ảnh: https://orientalsouls.com/)

Bộ búp bê Hina với 7 tầng. (Ảnh: https://orientalsouls.com/)

Bộ búp bê Hina đầy đủ có 7 tầng, mỗi tầng đều được lót vải màu đỏ. Tầng trên cùng là Thiên hoàng và Hoàng hậu ngồi trước một bức bình phong màu vàng. Các tầng dưới lần lượt bao gồm: 3 nữ quan (tầng 2), 5 nhạc công (tầng 3), 2 đại thần bên tả, bên hữu (tầng 4), 3 hộ vệ (tầng 5), một số đồ trang trí như rương, kiệu, v.v (tầng 6 & 7). Các nhân vật đều mặc trang phục truyền thống thời kì Heian và có nét mặt, biểu cảm khác nhau. Bộ búp bê thường được trưng bày từ sau ngày Setsubun và được cất đi ngay khi ngày 3/3 kết thúc, vì nếu không, các bé gái sẽ gặp nhiều điều không may sau này.

Búp bê Thiên hoàng và Hoàng hậu. (Ảnh: https://savvytokyo.com/)

Búp bê Thiên hoàng và Hoàng hậu. (Ảnh: https://savvytokyo.com/)

Bộ búp bê sẽ được trưng bày hằng năm cho đến khi bé gái được 10 tuổi. Cha mẹ thường sẽ mua bộ búp bê mới cho con gái, hoặc sử dụng bộ búp bê đã được truyền lại từ các thế hệ trước trong gia đình. Tuy nhiên, tuỳ điều kiện kinh tế và diện tích trưng bày mà các gia đình có thể chọn bộ búp bê có chỉ có 3 tầng hoặc thậm chí là 1 tầng, sao cho phù hợp. Ngoài ra, cũng tuỳ từng địa phương mà phong tục Hinamatsuri sẽ khác nhau, có nơi thả búp bê giấy trôi sông, cũng có nơi treo búp bê và những đồ trang trí thành một dây dài, v.v.

Ở một số địa phương, búp bê và đồ trang trí được treo thành dây dài. (Ảnh: https://matcha-jp.com/)

Ở một số địa phương, búp bê và đồ trang trí được treo thành dây dài. (Ảnh: https://matcha-jp.com/)

Thưởng thức các món ăn truyền thống

Amazake (甘酒)

Phong tục uống Amazake mang ý nghĩa thanh tẩy cơ thể. Amazake là loại rượu có vị ngọt, làm từ gạo lên men, đúng như cái tên của nó. Đây là “phiên bản nhí” của rượu Shirozake (白酒) truyền thống, với chỉ 1% cồn, do đó thích hợp làm đồ uống cho trẻ em.

Một chén Amazake. (Ảnh: https://matcha-jp.com/)

Một chén Amazake. (Ảnh: https://matcha-jp.com/)

Chirashizushi (ちらし寿司)

Cùng với Amazake, Chirashizushi cũng là một món ăn không thể thiếu trong dịp Hinamatsuri. Chirashizushi vốn có nghĩa đen là “sushi rải rác”, chỉ loại sushi màu sắc rực rỡ với topping là ngó sen, tôm, trứng xắt nhỏ và một số loại rau củ khác được rắc lên mặt cơm. Ngó sen mang ý nghĩa sức mạnh hướng tới tương lai, trong khi đó tôm là biểu tượng của sự khoẻ mạnh, trường tồn.

Chirashizushi được bày trong hộp. (Ảnh: https://matcha-jp.com/)

Chirashizushi được bày trong hộp. (Ảnh: https://matcha-jp.com/)

Hina arare (雛あられ)

Hina arare là một loại bỏng gạo, thường có vị ngọt. Tên gọi arare vốn xuất phát từ chính hình dáng nhỏ, dạng viên của loại bỏng này. Hina arare có nhiều màu sắc, mỗi màu sắc lại có ý nghĩa khác nhau: trắng tượng trưng cho tuyết mùa đông, hồng/đỏ tượng trưng cho sức sống, còn xanh tượng trưng cho cây cối mùa xuân. Do đó, nó được coi như một món ăn để cảm tạ trời đất vì đã đem mùa xuân đến sau mùa đông lạnh giá.

Bỏng gạo Hina arare. (Ảnh: https://savvytokyo.com/)

Bỏng gạo Hina arare. (Ảnh: https://savvytokyo.com/)

Hishi mochi (菱餅)

Hishi là tên gọi của cây củ ấu trong tiếng Nhật. Loại bánh mochi này có hình giống như lá của cây củ ấu, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, do đó được gọi là Hishi mochi. Hishi mochi thông thường gồm 3 lớp màu hồng/đỏ (từ quả cây dành dành), trắng (từ củ ấu), xanh lá (từ rau khúc hoặc lá ngải cứu), tuy nhiên tuỳ địa phương mà màu hồng có thể được thay bằng màu vàng, hoặc chiếc bánh có thể có 5 hay 7 lớp.

Một chiếc bánh Hishi mochi. (Ảnh: https://savvytokyo.com/)

Một chiếc bánh Hishi mochi. (Ảnh: https://savvytokyo.com/)

Đặc biệt hơn, những món ăn này đều được bày bán tại rất nhiều cửa hàng vào dịp lễ Hinamatsuri, do đó các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được nếm thử hương vị độc đáo của chúng nhé! Ngoài ra, Hinamatsuri còn được tổ chức tại nhiều đền chùa trên lãnh thổ Nhật Bản, nên các bạn có thể sắp xếp ghé thăm để được chiêm ngưỡng những bộ búp bê đồ sộ trên bậc thang nha!

Bộ sưu tập búp bê Hina tại đền Tomisaki, tỉnh Chiba. (Ảnh: https://www.tripadvisor.com/)

Bộ sưu tập búp bê Hina tại đền Tomisaki, tỉnh Chiba. (Ảnh: https://www.tripadvisor.com/)

Bài viết tham khảo các nguồn:
https://bit.ly/3hzETmx
https://bit.ly/3Cbh4Lg
https://bit.ly/3MpB2GT

———-

TRUNG TÂM DU HỌC VÀ NHẬT NGỮ GOTOJAPAN
– Hotline tư vấn : 0963 682 333 / 0246 276 5022
– Email: hoa.gotojapan@gmail.com
– Địa chỉ: 17 ngách 10 ngõ 121 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội, Hà Nội

DANH MỤC :