Kinh nghiệm: chia sẻ tip nhỏ viết luận EJU

   Với nhiều bạn du học sinh đang ôn thi EJU môn tiếng Nhật thì phần viết luận quả là một phần thi không hề dễ dàng gì. Vì trong vòng 30p ngắn ngủi chúng ta phải viết một đoạn văn 400 chữ bằng tiếng Nhật về một chủ đề mà có khi bản thân chưa từng tiếp xúc. Nhưng thực tế, phần thi này không quá khó như bạn nghĩ nếu chúng ta biết cách phân bố thời gian, nắm được kỹ thuật làm bài và tránh những lỗi sai không đáng mắc. 

  1. Phân bố thời gian như thế nào?

Thông thường, mình thường phân chia như sau: đọc và hiểu đề (5p)>>lập dàn ý (5p)>> viết bài (15p)>>xem lại (5p). Mình thường dành 5p để chọn ra đề mà mình có nhiều từ vựng và kiến thức nhất để tránh tình trạng không thể diễn đạt được điều muốn viết, sau đó mới lập dàn ý. Với mình 5p lập dàn ý rất quan trọng vì nó giúp mình hình dung được bố cục toàn bài và định hình được mình sẽ viết những ý chính nào, qua đó tránh tình trạng lạc đề hoặc viết lang man, không đi đến kết luận được. Bạn không cần phải viết quá chi tiết ở bước này mà chỉ cần note ra giấy những ý chính là được.

  1. Cách viết 1 bài 記述問題

Lưu ý bạn cần thống nhất viết theo thể lịch sự です/ますhoặc thể ngắn だ、である, không được phép viết cả 2 thể. Thông thường, mình hay chọn thể ngắn để tiết kiệm thời gian khi viết.

Sau đây, mình sẽ giới thiệu 1 bố cục bài viết đơn giản nhất mà mình hay áp dụng nhanh lúc vào phòng thi và hạn chế tối đa các lỗi cơ bản mà mình đã nhắc đến. 

Bố cục

Mở bài: nhắc lại phần diễn đạt bối cảnh đầu tiên của đề và một câu trả lời cho câu hỏi của đề bài. Ví dụ: nếu đề bài dạng bạn tán thành hay phản đối một ý kiến nào đó thì chỉ cần viết ~賛成する/反対する。  

Thân bài:

  • Nêu lên lý do: phần này bạn đơn giản nêu lên lý do vì sao mình tán thành/phản đối ý kiến trên. Thông thường mình sẽ dùng mẫu câu なぜかというと・なぜならば~~からである・からだ。để viết phần này.
  • Ví dụ: Kế tiếp, chúng ta sẽ đưa ra ví dụ để dẫn chứng cho ý kiến của bản thân và tăng tính thuyết phục cho ý kiến của mình. Mẫu câu ở phần này bạn có thể dùng là 例えば・例としては~~
  • Phản luận: Ở phần này chúng ta cần viết thêm một vài dòng về mặt trái của vấn đề trên, vì vấn đề nào cũng có 2 mặt của nó. Những từ nối bạn có thể dùng trong trường hợp này là しかし・しかしながら・但し・一方~~

Kết bài:Chỉ cần nhấn mạnh lại quan điểm đã đưa ra ở phần mở bài một lần nữa bằng cách dùng từ đồng nghĩa hoặc dùng 1 cách hành văn khác. Dùng những nối thông dụng như よって・したがって~~

Cuối cùng, đọc lại một lượt để kiểm tra lại một lượt xem bạn có bỏ sót phần nào không, có viết sai chữ Kanji nào không. 

 

Một vài lưu ý:

  • Nếu bạn không chắc chắn mình đã viết đúng Kanji chưa thì bạn hoàn toàn có thể viết bằng hiragana cũng sẽ không bị trừ điểm. 
  • Không cần cố gắng dùng những ngữ pháp quá mức phức tạp, bạn hoàn toàn có thể dùng những ngữ pháp đơn giản khoảng N4, N5 để diễn đạt miễn là bạn khẳng định được ý kiến của bản thân và viết trọn vẹn 1 bài thì điểm số của bạn chắc chắn sẽ không thấp.

 

Mình từng thi EJU 2 lần và đạt điểm bài viết 40/50 và 45/50 chỉ với những tip nhỏ này. Vì vậy nếu bạn không đặt mục tiêu đạt điểm tuyệt đối mình tin chắc bạn hoàn toàn có thể áp dụng chúng vào bài thi của mình.

 

Chúc các bạn học tốt!

 

DANH MỤC :