Một số trò chơi dân gian Nhật Bản (Phần 1)

Chuyên mục văn hoá – giải trí – du lịch đã trở lại rồi đây các bạn ơi!

Hôm nay chúng mình sẽ đi tìm hiểu về một số trò chơi dân gian mà người Nhật thường hay chơi vào những ngày lễ Tết nhé! ^^

1. Karuta

Từ “Karuta” (ガルタ/かるた/歌留多) vốn có nguồn gốc từ từ “carta”, tức là trò chơi bài lá trong tiếng Bồ Đào Nha. Những thương nhân và nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha chính là những người đã đem trò chơi bài phương Tây đến với Nhật Bản vào thế kỉ 16. Và sau đó, cũng chính người Nhật lại là những người cải biến trò chơi này thành một trò chơi hoàn toàn mới lạ và đậm nét Nhật Bản dựa trên trò chơi ghép cặp vỏ sò Kai-awase (貝合わせ) truyền thống.

Trờ chơi ghép cặp vỏ sò truyền thống: Người chơi cần tìm những cặp vỏ sò với hình vẽ tương ứng.

Trờ chơi ghép cặp vỏ sò truyền thống: Người chơi cần tìm những cặp vỏ sò với hình vẽ tương ứng.

Lá bài Karuta hình chữ nhật, có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, thường nhỏ cỡ bàn tay và có in hình ở 2 mặt, mặt trước thường là hình minh hoạ còn mặt sau là một (vài) câu thơ. Karuta có nhiều loại bài khác nhau như Utagaruta (歌ガルタ), Iroha Karuta (いろはがるた), Hanafuda (花札), v.v. trong đó được biết đến nhiều nhất là Utagaruta.

Một số lá bài Hanafuda.

Một số lá bài Hanafuda.

Một bộ bài Utagaruta gồm 200 lá, chia làm 2 loại Yomifuda (読み札) và Torifuda (取り札), mỗi loại 100 lá. Người chơi chia làm 2 nhóm ngồi đối mặt nhau với các lá Torifuda trải đều ở giữa, sau đó người quản trò sẽ lấy ngẫu nhiên một lá Yomifuda và đọc nội dung trên đó. Nhiệm vụ của người chơi là tìm đúng lá Torifuda tương ứng với câu người quản trò đã đọc, ai lấy được nhiều nhất sẽ là người chiến thắng. Đây là cách chơi cơ bản của Karuta, rèn luyện cho người chơi khả năng ghi nhớ, phản xạ nhanh và giúp mở rộng vốn kiến thức văn học. Tuy nhiên rất tiếc là bộ bài Karuta hiện nay ở Việt Nam có khá ít nơi bán.

Hai loại bài trong bộ Utagaruta: Ở hàng trên là Yomifuda, ở hàng dưới là Torifuda.

Hai loại bài trong bộ Utagaruta: Ở hàng trên là Yomifuda, ở hàng dưới là Torifuda.

2. Hanetsuki

Hanetsuki được viết là 羽根突き hoặc 羽子突き trong chữ Hán, ý chỉ đây là trò chơi đánh cầu lông truyền thống của Nhật Bản. Lí do nó được gọi là cầu lông là vì luật chơi có nét tương tự như cầu lông phương Tây: cố gắng giữ quả cầu trên không trung lâu nhất có thể. Điểm khác nhau lớn nhất chính là trò chơi này không sử dụng lưới.

Hanetsuki bắt nguồn từ thời Heian. Ở thời điểm đó, nó được coi như là một nghi lễ trừ tà cho trẻ em, với quả cầu Hane (羽根/羽子) được làm từ cây bồ hòn. Cây bồ hòn được viết bằng chữ Hán 無患子 (Mukuroji) – với ý nghĩa bình an vô sự, do đó đây được coi là một nghi lễ cầu chúc cho đứa trẻ hay ăn chóng lớn, ít bệnh tật. Qua thời gian, Hanetsuki dần biến đổi thành hình thức như hiện nay.

Quả cầu và vợt khi chơi Hanetsuki.

Quả cầu và vợt khi chơi Hanetsuki.

Hanetsuki thường có 2 người chơi. Ngoài quả cầu Hane thì mỗi người chơi còn cần một chiếc vợt có hình giống mái chèo, gọi là Hagoita (羽子板). Khi chơi, hai người chơi sẽ cùng nhau đánh cầu qua lại, cố gắng giữ cho cầu không bị rơi xuống đất. Ai làm rơi sẽ bị quẹt mực lên mặt, ai bị quẹt mực kín hết mặt trước sẽ bị tính là người thua. Tuy nhiên, nếu có thua thì các bạn cũng đừng buồn, vì quẹt mực là để trừ tà đầu năm đấy nha!

Tranh vẽ hai người phụ nữ chơi Hanetsuki, khoảng thời Edo.

Tranh vẽ hai người phụ nữ chơi Hanetsuki, khoảng thời Edo.

Qua thời gian, không còn nhiều người chơi Hanetsuki như trước, tuy nhiên trò chơi này vẫn được nhớ đến qua những chiếc vợt Hagoita dùng trang trí, gọi là Oshie Hagoita (押絵羽子板). Các bạn có thể tìm mua những chiếc vợt này tại lễ hội Hagoita-Ichi trong chùa Senso-ji, Asakusa vào dịp cuối năm nha.

Một gian bán Oshie Hagoita trong lễ hội Hagoita-Ichi (chùa Senso-ji, Asakusa, Tokyo).

Một gian bán Oshie Hagoita trong lễ hội Hagoita-Ichi (chùa Senso-ji, Asakusa, Tokyo).

Vậy là qua bài viết ngày hôm nay, chúng mình đã biết thêm nhiều điều thú vị về 2 trò chơi Karuta và Hanetsuki rồi. Các bạn hãy chờ thêm các trò chơi thú vị khác ở phần 2 nhé!

———-

TRUNG TÂM DU HỌC VÀ NHẬT NGỮ GOTOJAPAN
– Hotline tư vấn : 0963 682 333 / 0246 276 5022
– Email: hoa.gotojapan@gmail.com
– Địa chỉ: 17 ngách 10 ngõ 121 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội, Hà Nội

DANH MỤC :