1. Chế độ học bổng và hỗ trợ học phí:
*HỌC BỔNG DISCOVERY: Mỗi năm có khoảng 4 suất và miễn giảm 100% học phí cho năm đầu tiên và có thể duy trì học bổng trong 4 năm nếu có kết quả học tập tốt. (Học bổng Discovery sẽ được thông báo cùng lúc với kết quả trúng tuyển), ngoài ra học bổng cũng bao gồm học phí của sinh viên khi đi trao đổi ở các nước khác.
*XIN MIỄN GIẢM HỌC PHÍ: Sinh viên có thể xin miễn giảm học phí sau khi đã nhập học vào trường.
*HỌC BỔNG CỦA CÁC QUỸ: JASSO, Nitori, Rotary Yoneyama,…
*Quá trình apply: gồm hai vòng là chuẩn bị hồ sơ và phỏng vấn
– VÒNG HỒ SƠ: BÀI LUẬN
Ngoài các giấy tờ cần thiết kể trên, khi apply bạn cần chuẩn bị hai bài luận (A và B), mỗi bài tối đa 500 chữ và một form C nói về các hoạt động ngoại khóa của bạn. Mỗi bài luận đều có các câu hỏi nhỏ và bạn phải trả lời các câu hỏi đó bằng một bài luận hoàn chỉnh vì vậy hãy cân bằng nội dung ứng với các câu hỏi đó để tránh bị lan man hoặc không đủ chữ cho các câu hỏi khác dẫn đến trả lời sơ sài, không rõ ràng. Form C bạn sẽ liệt kê tối đa 5 hoạt động ngoại khóa và những gì bạn học được từ từng hoạt động đó, ở form này bạn hãy chọn lọc những hoạt động mà bản thân cảm thấy có ý nghĩa và ảnh hưởng tích cực nhất tới bản thân và cộng đồng nhé.
– VÒNG PHỎNG VẤN:
Phỏng vấn sẽ diễn ra trong khoảng 25′ và người phỏng vấn là ba giáo sư từ ba nhóm của Discovery. Các câu hỏi sẽ rất đa dạng tùy thuộc vào câu trả lời trước và xoay quanh định hướng ngành mà bạn lựa chọn, cũng sẽ có một số câu hỏi mang tính chuyên môn, vì vậy hãy đọc kỹ về ngành ở trong file giới thiệu của trường cũng như bài luận của mình nhé! Hãy trả lời một cách chi tiết nhất có thể mà không bị quá dài dòng (khoảng tối đa 2′ cho một câu trả lời), tránh để các thầy cô phải yêu cầu mình nói rõ hơn về câu trả lời quá nhiều lần nha. Ngoài ra nếu trong hồ sơ bạn có nộp chứng chỉ tiếng Nhật thì họ sẽ hỏi bạn vài câu tiếng Nhật về ngành tương tự như hỏi bằng tiếng Anh.
Một số review của anh Nguyễn Mạnh Quốc Trung, cựu học sinh khóa 47 trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và là sinh viên năm ba của chương trình Discovery:
2. VỀ CHƯƠNG TRÌNH HỌC:
Chương trình học hiện tại ở GDP phần lớn được phát triển dựa theo nhu cầu và mục tiêu học tập của sinh viên, với các lớp học được phân bổ đều vào ba nhóm:
– Khoa học xuyên ngành vì sự bền vững toàn cầu (Khoa học Tự nhiên)
– Social Innovation and Entrepreneurship (Kinh doanh và Kinh tế)
– Đa dạng văn hóa và cộng đồng (Văn hóa, Xã hội học và Nhân chủng học).
- Về điểm tốt thì anh thấy sinh viên được phép chọn các khóa mình muốn học một cách linh hoạt; dù lên năm hai mình có chọn nhóm nào là chủ đạo để chuẩn bị cho khóa luận tốt nghiệp thì vẫn có thể đăng ký các khóa học ở các nhóm khác. Chẳng hạn một bạn theo học chuyên ngành Kinh tế thì vẫn có thể đăng ký các khóa ở nhóm Khoa học Tự nhiên hoặc Xã hội học nếu muốn trải nghiệm và có thêm nhiều kiến thức ở các lĩnh vực khác. Thường thì các thầy cô trong chương trình cũng muốn sinh viên đăng ký khóa học ở càng nhiều nhóm càng tốt, ít nhất là trong năm đầu, để có thể cân nhắc kỹ hơn về ngành mình muốn học chuyên sâu sau này, và cũng có không ít trường hợp sinh viên đổi ngành hoặc đổi chuyên ngành khi lên năm 2, năm 3.
- Tuy nhiên thì việc học có vẻ hơi “dàn trải” kiểu này có thể tạo ra hơi nhiều áp lực nếu mình đăng ký quá nhiều tín trong một kỳ học. Về cách học thì các lớp ở các nhóm khác nhau cũng học khác nhau; chẳng hạn như các lớp Khoa học Tự nhiên thì thiên về nghe giảng, ghi chép và vào phòng thí nghiệm nhiều hơn, trong khi các lớp Xã hội thì điểm số phần lớn phụ thuộc vào thảo luận trước lớp, thảo luận theo nhóm và bài luận cuối khóa, v.v… Nếu không quen thì mình có thể thấy bối rối và nặng hơn là quá tải.
3. VỀ GIÁO VIÊN TRONG CHƯƠNG TRÌNH
Anh thấy phần lớn các giáo viên cũng dễ tính và nghĩ cho học sinh rất nhiều. Phải đến hơn 2/3 các thầy cô dạy toàn thời gian trong chương trình đều có bằng PhD ở các trường ĐH ở Mỹ, nên tiếng Anh gần như đã đến mức bản địa ở cả nói và viết, chỉ có một vài thầy cô người Nhật là phát âm hơi khó nghe chút, nhưng cũng không đến mức không hiểu được. Các thầy cô thường không chấm nhẹ tay, nhưng cũng không chấm đắt hay trừ điểm vô lý tẹo nào, và nếu chẳng hạn học sinh có nêu ý kiến về lượng bài tập quá nặng hay bài luận cuối khóa quá khó thì các thầy cô cũng lắng nghe và nhiều khi còn giảm bớt nữa (nên ở GDP thường rất ít trường hợp phải học lại tín ????, chỉ là điểm cao hay thấp thôi). Hầu như sinh viên mở tiệc hay giao lưu gì đều có vài giáo viên đến tham dự cùng, các thầy cô còn thi thoảng mời sinh viên lớp mình đến nhà ăn tối nữa, nên kể cả nói chuyện phiếm thì tùy lúc cũng có thể coi các thầy cô không khác gì bạn bè cùng khóa vậy.
4. VỀ THÀNH PHỐ OKAYAMA nói chung thì không quá nhộn nhịp, tắc đường là chuyện không bao giờ xảy ra, cũng hiếm có nơi nào phải nói là đông người chen chúc, kể cả ga tàu điện. Vì không đông người nên anh nghĩ sống ở Okayama khá là vô tư và an toàn, chán hay không thì tùy người, nhưng nếu mình chịu khó ra ngoài đi khám phá thì kiểu gì cũng có chỗ ăn chơi.
5. VỀ SINH HOẠT thì học sinh ở GDP được phép ở ký túc xá trường trong năm đầu tiên, tiền thuê nhà là 23.000¥/tháng (chưa tính sinh hoạt phí như điện, nước, ga; cái này mình dùng bao nhiêu thì trả bấy nhiêu), cũng rẻ hơn kha khá so với mặt bằng chung của thành phố. Đến năm hai phải đi thuê nhà, thì giá nhà có thể dao động từ 30.000¥ đến 60.000¥, tùy vào mức độ tiện nghi và vị trí (càng gần trường hoặc gần trung tâm thành phố thì giá càng cao), tuy nhiên so với các thành phố lớn như Osaka hay Tokyo thì vẫn rẻ hơn nhiều. Nếu thuê được một căn giá bình dân và sống tiết kiệm chút, mua đồ về tự nấu thì sinh hoạt phí hằng tháng thường sẽ rơi vào khoảng từ 50.000¥ đến 60.000¥, không tồi chút nào.