Trà đạo Nhật Bản – Nét văn hoá tinh tế, thanh tịnh (Phần 2)

Quan trọng nhất trong trà đạo có lẽ chính là buổi thưởng trà. Hãy cùng GoToJapan đi tìm hiểu xem buổi lễ này diễn ra như thế nào nhé các bạn!

1. Cảnh quan bên ngoài và bên trong phòng trà

a. Vườn Nhật bên ngoài phòng trà

Phòng trà truyền thống thường được bao quanh bởi một khu vườn, tuy nhiên cũng có một số nơi không có. Thường trong vườn sẽ trồng những loại cây hoa đơn giản, không có màu sặc sỡ hoặc mùi hương mạnh để giữ không khí yên tĩnh, thanh tịnh trong vườn. Trên mặt đất trang trí lối đi lát đá dẫn đến phòng trà, hai bên lối đi thường có những chiếc đền lồng đá kiểu Nhật. Cuối lối đi, trước khi vào phòng trà sẽ có một bồn nước nhỏ để khách rửa tay trước khi bước vào phòng.

Vườn Nhật bao quanh phòng trà với bồn nước cho khách rửa tay. (Ảnh: www.japan-guide.com)

Vườn Nhật bao quanh phòng trà với bồn nước cho khách rửa tay. (Ảnh: www.japan-guide.com)

b. Phòng trà

Phòng trà là căn phòng truyền thống kiểu Nhật, với cửa giấy và chiếu tatami. Cửa phòng đôi khi được làm thấp xuống để khách phải cúi đầu khi vào cửa – một biểu tượng cho sự khiêm nhường. Trong phòng trang trí đơn giản với một góc khuyết nhỏ để bày bức thư pháp và bình hoa theo mùa, một số phòng còn có đặt một lư hương nhỏ. Dưới mặt sàn phòng có thể có lỗ khuyết để đặt lò đun nước cố định.

Một phòng trà tiêu biểu với lò đun nước, góc khuyết trang trí bức thư pháp, bình hoa và lư hương. (Ảnh: www.japan-guide.com)

Một phòng trà tiêu biểu với lò đun nước, góc khuyết trang trí bức thư pháp, bình hoa và lư hương. (Ảnh: www.japan-guide.com)

2. Quy trình cơ bản của một buổi thưởng trà

a. Chuẩn bị

Một buổi thưởng trà đầy đủ với nghi thức trang trọng có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ với một bữa kaiseki (会席 – gồm cơm, sushi, một số món ăn nhẹ), một chén trà đặc và một chén trà loãng. Tuy nhiên, phần lớn các buổi thưởng trà hiện nay thường kéo dài trong vòng 45 phút, được thực hiện theo nghi thức thông thường, giản tiện với chỉ một chén trà loãng.

Việc chuẩn bị cho buổi thưởng trà được tiến hành rất cẩn thận. Lời mời tới các vị khách phải được gửi đi trước rất nhiều tuần. Trước buổi thưởng trà, phòng trà và sân vườn phải được dọn dẹp sạch sẽ, và một ngày trước khi buổi thưởng trà diễn ra, bữa kaiseki sẽ được chuẩn bị một cách rất tỉ mỉ, cầu kì.

Một phòng trà truyền thống với vườn bao quanh. (Ảnh: www.mai-ko.com)

Một phòng trà truyền thống với vườn bao quanh. (Ảnh: www.mai-ko.com)

b. Đón khách

Các vị khách khi đến với buổi thưởng trà sẽ phải mặc quần áo gọn gàng, trang nhã, không đeo đồ trang sức quá loè loẹt, không sử dụng nước hoa để tôn trọng sự thanh tịnh của buổi lễ.

Đến giờ, người chủ sẽ mở cửa đón những vị khách vào trong phòng trà. Những vị khách sẽ cúi chào người chủ và bước vào phòng trà. Vị khách lớn tuổi nhất sẽ ngồi gần với bức thư pháp nhất, sau đó các vị khách còn lại sẽ lần lượt vào chỗ ngồi. Các vị khách sẽ ngồi với tư thế seiza trên tấm đệm, cúi chào người chủ một lần nữa trước khi buổi lễ bắt đầu.

Các vị khách và người chủ trong một buổi thưởng trà với trang phục lịch sự, nhã nhặn. (Ảnh: www.mai-ko.com)

Các vị khách và người chủ trong một buổi thưởng trà với trang phục lịch sự, nhã nhặn. (Ảnh: www.mai-ko.com)

c. Pha trà và thưởng trà

Sau khi ăn bữa kaiseki, một miếng bánh wagashi sẽ được mang đến cho các bị khách trong thời gian người chủ đang pha trà. Miếng bánh được ăn trước khi thưởng trà để khách có thể cảm nhận rõ được vị ngon của trà.

Miếng bánh wagashi và chén trà. (Ảnh: www.japan-guide.com)

Miếng bánh wagashi và chén trà. (Ảnh: www.japan-guide.com)

Trong khi các vị khách đang thưởng thức món bánh, người chủ sẽ lau rửa các loại dụng cụ và pha trà. Bột matcha sẽ được xúc ra chén trà, sau đó nước sôi đun từ ấm sẽ được rót vào chén. Người chủ sẽ dùng cây khuấy trà để khuấy cho bột trà tan hết, và thường khi khuấy xong trà sẽ lên một lớp bọt rất đẹp.

Sau khi pha, chén trà sẽ được người chủ đặt trên chiếu, quay mặt trước của chén về phía vị khách đầu tiên. Vị khách sau khi cảm ơn người chủ và chào các vị khách khác cùng thưởng trà, sẽ cầm chén trà bằng tay phải, rồi đặt chén trên lòng bàn tay trái và xoay chén trà 2 lần theo chiều kim đồng hồ để tránh mặt trước của chén, sau đó từ từ uống trà. Khi uống trà, các vị khách có thể phát ra âm thanh xì xụp, tuy nhiên không được tạo ra tiếng động lớn hoặc nói chuyện to.

Người chủ đang pha trà. (Ảnh: www.japan-guide.com)

Người chủ đang pha trà. (Ảnh: www.japan-guide.com)

Uống trà xong, vị khách sẽ lau miệng chén trà, sau đó đặt chén trà lên tay và xoay chén 2 vòng ngược chiều kim đồng hồ để trả chén trà về vị trí như trước khi uống. Tiếp theo, vị khách có thể dành thời gian ngắm chén trà. Ngắm xong, vị khách sẽ lại cầm chén trà lên, xoay chén 2 vòng theo chiều kim đồng hồ để trả mặt trước của chén về phía người chủ, sau đó đặt chén về vị trí ban đầu mà người chủ đã đặt.

Tiếp theo, người chủ sẽ rửa chén trà và pha thêm trà nếu vị khách muốn thưởng thức thêm. Nếu vị khách đã uống đủ, người chủ sẽ tiếp tục pha trà cho các vị khách khác cho đến hết buổi thưởng trà. Với nghi thức trang trọng, chén trà đầu tiên sẽ là chén trà đặc, sau đó là một chén trà loãng. Tuy nhiên, với nghi thức giản tiện thông thường thì những vị khách sẽ chỉ được phục vụ trà loãng. Cuối buổi thưởng trà, người chủ sẽ lau rửa lại các dụng cụ pha trà và đặt chúng về vị trí cũ như trước khi bắt đầu.

Cách cầm chén trà khi uống. (Ảnh: www.japan-guide.com)

Cách cầm chén trà khi uống. (Ảnh: www.japan-guide.com)

Tuy cầu kì, nhiều lễ nghi nhưng buổi thưởng trà là dịp những vị khách để lại những phiền muộn lo toan trong cuộc sống thường ngày và hoà mình với không khí tĩnh lặng, thanh tịnh của phòng trà và khu vườn bao quanh, cũng như trân quý triết lí 一期一会 (Ichi go ichi e) – hàm ý trân trọng từng khoảnh khắc. Nếu có cơ hội, các bạn hãy thử trải nghiệm một buổi thưởng trà để được hiểu sâu sắc hơn về văn hoá – con người Nhật Bản nhé!

Bài viết có tham khảo từ các nguồn: https://bit.ly/3M4zkdJhttps://bit.ly/3BT96WV

———-

TRUNG TÂM DU HỌC VÀ NHẬT NGỮ GOTOJAPAN
– Hotline tư vấn : 0963 682 333 / 0246 276 5022
– Email: hoa.gotojapan@gmail.com
– Địa chỉ: 17 ngách 10 ngõ 121 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội, Hà Nội

DANH MỤC :