Công việc làm thêm – Arubaito ( Kỳ 2 )

Công việc làm thêm Arubaito – Kỳ 2: Trình tự xin việc làm thêm 

I. Trình tự xin việc làm thêmBước 1: Xin giấy phép làm thêm
Đây là “giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú” 資格外活動許可書 (shikakugai katsudou kyokasho, tư cách ngoại hoạt động hứa khả thư), ở đây tư cách lưu trú của bạn là du học và giấy phép này cho bạn làm thêm. Thực ra bạn chỉ có tư cách du học nên bạn sẽ không được làm thêm nhưng chính phủ Nhật cho phép bạn làm thêm để bạn có thể trang trải phần nào kinh phí du học của bạn. Giấy phép này cũng là thứ để cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản quản lý số giờ làm của bạn để đảm bảo là bạn không làm quá số giờ quy định mà sao lãng việc học hành.
Nơi xin giấy phép: Cục quản lý xuất nhập cảnh (Tokyo hoặc địa phương)
Giấy tờ cần thiết: Giấy chứng nhận đang đi học của trường bạn học, thành tích học tập kỳ trước, hộ chiếu kèm visa còn hiệu lực, thẻ đăng ký người nước ngoài (外国人登録証明書)
Thời hạn giấy phép có hiệu lực: Thường là 2 năm hoặc là thời hạn visa của bạn (nếu thời hạn này ít hơn 2 năm), sau khi hết hạn mà bạn muốn đi làm thì bạn sẽ phải xin lại.
việc làm thêm tại nhật bản
Bước 2: Tìm và xin việc
Bạn sẽ phải nói chuyện điện thoại, do đó khả năng nghe của bạn phải tốt. Tốt nhất là nắm rõ trước các từ cần biết như 店舗 tempo (cửa hàng), 時間帯 jikantai (thời gian),… Nếu bạn nghe không tốt, bạn nên đi quanh khu vực của bạn và vào hỏi trực tiếp. Bạn nên kiếm việc làm phù hợp với khả năng tiếng Nhật của bạn, ví dụ bạn không nên xin việc làm marketing hay bán điện thoại vì việc này đòi hỏi phải tiếp khách và tiếng Nhật phải tốt.
Bạn cũng phải học cách nói lịch sự tối đa trong tiếng Nhật. Bạn có thể học cách nói này vì các quyển tạp chí giới thiệu việc sẽ hướng dẫn cụ thể. Ví dụ: ・・・の求人を拝見しましてお電話させていただけます thay vì ・・・の求人を見まして電話します. Nếu bạn nói không lịch sự, xác suất bạn xin được việc hầu như bằng 0 vì bạn sẽ bị đánh giá là người không hiểu các quy tắc thông thường trong xã hội.
Thường bạn gọi điện tời thì sẽ có các trường hợp sau: (1) Họ đã tuyển đủ người, (2) Bạn không phù hợp (tiếng Nhật yếu chẳng hạn), (3) Họ hẹn bạn phỏng vấn vào … giờ, ngày ….
Nếu bạn gọi điện tới và được chấp nhận phỏng vấn, thì bạn phải mang lý lịch tới. Lý lịch thường bán ở các cửa hàng tiện lợi (履歴書 rirekisholý lịch thư), bạn viết các thông tin cá nhân và kinh nghiệm làm việc vào rồi mang tới vào thời điểm đã hẹn. Bạn không được đến muộn và cũng không nên đến quá sớm vì họ không có thời gian tiếp bạn. Bạn nên đến sớm hơn khoảng 5 phút.
Sau khi phỏng vấn, người tuyển dụng sẽ hẹn bạn trả lời vào thời điểm nào đó. Họ cũng có thể nói là đến thời điểm nào đó mà không gọi lại thì có nghĩa là bạn đã trượt công việc này.

II. Các công việc du học sinh Việt Nam thường làm tại Nhật 

Combini – Cửa hàng tiện lợi
Bạn cần nắm rõ tiếng Nhật để chào khách và tính tiền. Công việc này đòi hỏi bạn phải đứng tính tiền, bày sản phẩm, lau dọn cho cửa hàng luôn sạch sẽ,… Đây là công việc lương không cao (thường 780 yên/giờ) và khá nhàm chán.
Phát báo
Đây là công việc vất vả, lương cao. Bạn có thể kiếm được 12 man ~ 14 man / tháng (120.000 ~ 140.000 yên / tháng). Tuy nhiên, bạn phải đi phát báo vào lúc 1 ~ 2 giờ sáng cho tới 5 ~ 7 giờ sáng vào mọi ngày trong tuần. Du học sinh thường có hội phát báo (hội du học sinh phát báo) riêng và nếu bạn có bạn bè trong đó giới thiệu thì bạn mới có thể vào đó được. Công việc này là cực kỳ vất vả vì bạn phải có mặt ở trường đi học vào lúc 9 giờ sáng và có thể ngủ bù lúc khác.
Siêu thị
Tính tiền ở siêu thị hoặc chế biến ở bên trong (làm thịt, cá,…). Nếu làm chế biến thì không cần trình độ tiếng Nhật cao.
Lập trình
Nếu bạn có khả năng lập trình và giao tiếp tiếng Nhật thì đây là công việc mà bạn có thể kiếm vì Nhật hiện tại rất cần lập trình viên. Những người đi làm lập trình thường lương khá cao, từ 1000 yên ~ 2000 yên / giờ.
Rửa chén
Đây là việc lương thấp, cực,… nhưng lại không cần trình độ tiếng Nhật. Thích hợp cho bạn nào mới sang.
Phục vụ khách sạn
Nếu bạn sống ở vùng du lịch nghỉ dưỡng thì bạn có thể xin công việc làm phòng, phục vụ ăn uống,…
Nấu ăn
Ví dụ cửa hàng cơm hộp (bentou), quán mỳ raamen, quán ăn Nhật, các quán ăn bình dân như Yoshinoya, Matsuya,… Bạn không cần có nhiều kiến thức về nấu ăn nếu làm ở các quán được cung cấp nguyên liệu chế biến sẵn và có công thức nấu như Matsuya, quán cơm hộp Saboten,… Còn ở các quán khác thì thường sẽ có người chỉ cho bạn. Nếu bạn muốn học cách nấu ăn ví dụ như mỳ raamen thì công việc này khá có ý nghĩa.
Cửa hàng ăn nhanh McDonald
Bạn có thể làm công việc đón khách, tính tiền (cần tiếng Nhật đủ tốt) hoặc chế biến bên trong.
Dạy tiếng Việt
Công việc thường không thường xuyên, ví dụ 2 buổi/tuần, 6000 yên/buổi. Bạn sẽ phải kiếm thêm công việc khác cho đủ thu nhập. Ngoài ra, công việc này cũng không có nhiều.
Làm công nhân nhà máy
Ví dụ nhà máy chế biến đồ hộp (bỏ cá vào hộp), nhà máy làm cơm hộp,… Đặc điểm: Thường ở xa trung tâm và công việc đơn điệu. Tuy nhiên lương theo ngày cao.

Đăng ký nhận tài liệu và thông tin du học Nhật qua mail miễn phí:

DANH MỤC :