Kỳ 1: Xin việc làm thêm có khó không?
>Học bổng của Nhật ngữ sendagaya
>Bí quyết đi tàu shinkansen
Câu trả lời là Có và Không. Còn tùy thuộc rất nhiều thứ, như có ai giới thiệu bạn không, tiếng Nhật của bạn có tốt không, bạn có bao nhiêu kinh nghiệm làm việc,…. Nó cũng tùy thuộc vào vùng bạn sống có nhiều việc làm thêm hay không. Nếu bạn sống ở miền quê thì sẽ không nhiều công việc làm thêm lắm, còn nếu bạn sống ở các thành phố lớn như Tokyo, Chiba, … thì sẽ có nhiều việc làm thêm hơn. Ngoài ra, khả năng xin được việc làm thêm (arubaito) cũng tùy thuộc vào việc công việc bạn xin đòi hỏi trình độ tiếng Nhật tới mức nào. Công việc càng ít đòi hỏi trình độ tiếng Nhật thì du học sinh càng dễ xin.
Quảng cáo trên trang giới thiệu việc làm thêm baitoru.com
Xin việc làm thêm tại Nhật có kiếm được hàng chục triệu đồng một tháng gửi về nhà không?
Bạn phải hết sức cẩn thận với những thông tin kiểu này. Rất nhiều trung tâm du học hay tung ra các trung tâm kiểu này để câu khách, và cũng rất nhiều người ở Việt Nam tuyên truyền những tin tức như vậy đi (ví dụ đi làm thêm 2 năm ở Nhật có thể kiếm 1 tỷ đồng) do họ KHÔNG NẮM RÕ THÔNG TIN tại Nhật Bản. Vậy thực tế thu nhập là thế nào?
Trung bình 1 giờ bạn làm được khoảng 800 yên – 1000 yên. Nếu bạn làm trong khuôn khổ cho phép là 28 giờ/ tuần (tức 4 giờ/ngày) thì bạn sẽ được ~ 28 x 4 x 1000 = 116.000 yên (cỡ 1400 USD)/tháng. Vào kỳ nghỉ, bạn có thể làm việc với số giờ gấp đôi nên thu nhập tối đa có thể tới ~ 220.000 yên (2800 USD)/tháng. Đây là nếu bạn làm tại thành phố lớn như Tokyo, nơi chi phí sinh hoạt tối thiểu có thể là 50.000 ~ 60.000 yên/tháng (bao gồm tiền nhà 30.000 ~ 40.000 yên, điện nước ga, điện thoại, internet, đi lại,…).
Bạn có thể phá luật để đi làm thêm nhiều hơn không?
Câu trả lời là có, nhưng rủi ro cũng có. Đó là nếu bạn bị phát hiện bạn có thể mất giấy phép hoạt động ngoại khóa, là giấy phép bạn phải xin để được đi làm thêm. Ngoài ra, một người đi làm kiếm trên 80.000 yên/tháng thì theo phải đóng thuế thu nhập. Tất nhiên, nếu đi làm chui thì bạn cũng trốn khoản này luôn.
Đó mới chỉ là mức tiềm năng….
Mức thu nhập ở trên mới chỉ là mức tiềm năng, chứ không phải là chắc chắn bạn sẽ kiếm được những công việc như vậy. Có thể bạn sẽ phải làm vài ba công việc mới kiếm được như vậy vì các việc làm thêm (arubaito) thường chỉ cần bạn một vài buổi trong tuần. Kiếm việc làm thêm bên Nhật không phải là việc dễ dàng, nhất là với các bạn mới sang tiếng Nhật chưa giỏi hay không có nhiều kinh nghiệm làm việc, hay không có ai giới thiệu công việc cho. Bạn hoàn toàn có thể mất 6 tháng, gọi điện cả vài chục chỗ mà không kiếm được việc làm thêm nếu không có kinh nghiệm tìm việc.
Việc làm thêm ở mức tối đa đòi hỏi bạn phải có thể lực rất tốt, sắp xếp thời gian tốt, hi sinh việc học hành và các thú vui khác, có kinh nghiệm làm việc tốt và được đánh giá cao,… Nghĩa là bạn phải sang Nhật khá lâu mới có thể kiếm được mức thu nhập cao từ vài ba việc làm thêm. Ngoài ra, trong nhiều thời gian bạn có thể bị đói việc và phải thường xuyên tìm các công việc mới bổ sung.
Vậy mức thu nhập làm thêm thực tế là bao nhiêu?
Như đã nói ở trên, không phải lúc nào bạn cũng có đủ công việc để có thu nhập lớn mà thường bị đói việc và phải tìm các công việc bổ sung. Việc gián đoạn công việc của bạn có thể do cả việc học hành, thi cử của bạn nữa. Nhìn chung, du học sinh kiếm thu nhập làm thêm đủ để trang trải sinh hoạt và để dư ra một số tiền hàng tháng. Số tiền này bạn sẽ dùng vào việc chuyển nhà (rất tốn kém ở Nhật), đăng ký thi đại học (30.000 yên/trường), đi lại thi cử, nhập học đại học,…. Bạn cũng có thể gửi về nhà nhưng có lẽ sau khi bạn đã vào đại học rồi và có một thu nhập làm thêm ổn định.
Rủi ro của việc làm thêm quá nhiều
Rủi ro nhãn tiền của làm thêm quá nhiều là sao lãng việc học tập, tiếp theo có thể là sa sút về sức khỏe. Nếu bạn làm thêm theo đúng quy định của chính phủ Nhật (20 giờ/tuần) thì chắc chắn bạn ít gặp phải vấn đề trên. Tất nhiên vì vấn đề tài chính thì cũng có nhiều bạn vượt trần quy định. Tuy nhiên, bạn sẽ gặp RẮC RỐI LỚN nếu bạn không hoàn thành nghĩa vụ học tập của mình và không lấy được tư cách lưu trú để ở lại.
Ví dụ: Sau 2 năm học tiếng Nhật bạn không đỗ vào trường đại học, cao đẳng hay dạy nghề nào. Như vậy thì bạn sẽ không có tư cách lưu trú (du học) để xin thị thực (visa) ở lại Nhật. Để tiếp tục ở lại Nhật, bạn phải xin vào một trường đại học nào đó để dự thính, và bạn sẽ mất vài chục vạn yên cho việc này. Việc dự thính sẽ chỉ được kéo dài 6 tháng, nếu sau đó bạn vẫn không đỗ vào trường nào thì bạn sẽ buộc phải về nước.
Cũng tương tự như vậy, nếu bạn đang học đại học mà bạn bị đúp (留年ryuunen) thì bạn sẽ phải ở lại 1 năm (hoặc nửa năm tùy trường) và bạn sẽ phải tốn tiền học phí trong thời gian đó.
Vậy làm thêm bao nhiêu là vừa? Việc này chỉ bạn mới trả lời tùy vào tình hình học tập của chính bạn.
Đăng ký nhận tài liệu và thông tin du học Nhật qua mail miễn phí: