Trà đạo Nhật Bản – Nét văn hoá tinh tế, thanh tịnh (Phần 1)

Nhắc đến Nhật Bản là nhắc đến hoa anh đào, kimono, kịch kabuki, ikebana và dĩ nhiên không thể thiếu được trà đạo. Vậy điều gì đã làm cho trà đạo Nhật Bản nổi tiếng đến vậy?

1. Trà đạo là gì?

Trà đạo – tiếng Nhật gọi là “Sadou/Chadou” (茶道) hoặc “Cha no yu” (茶の湯) – là một nghi thức thưởng trà và hoạt động văn hoá của người Nhật, bắt nguồn từ sự trân trọng những cái đẹp trong cuộc sống hằng ngày của Phật giáo Thiền tông. Đây cũng là một nghi thức đón tiếp khách tiêu biểu cho tinh thần omotenashi – tinh thần đối đãi khách nhiệt tình, tận tâm của người Nhật.

Một buổi thưởng trà.

Một buổi thưởng trà.

2. Lịch sử trà đạo

Trà từ Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỉ 8. Thời điểm đó, trà chủ yếu được các vị cao tăng và quý tộc uống như một vị thuốc. Đến thời kì Muromachi (1333 – 1573), trà mới thực sự trở nên phổ biến với mọi tầng lớp người dân, và những buổi tiệc thưởng trà đã trở thành nơi dành cho những người sành trà thể hiện kiến thức của mình về trà, cũng như trưng bày những bát uống trà độc đáo của họ.

Cũng trong thời gian này, một trường phái thưởng trà khác đã bắt đầu phát triển, với triết lí lấy cảm hứng từ Phật giáo Thiền tông, đề cao sự giản dị và thanh tịnh của tâm hồn. Những nghi thức thưởng trà ngày nay cũng bắt nguồn từ trường phái này, với cha đẻ chính là Sen no Rikyuu (千利休) – một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất tới trà đạo Nhật Bản, cũng là người đã đưa ra khái niệm Hoà – Kính – Thanh – Tịch (Wakeiseijaku – 和敬清寂).

Sau này, con cháu của Sen no Rikyuu đã kế thừa những triết lý do ông đề ra để lập nên 3 trường phái trà đạo chính ở Nhật Bản, gọi là Sansenke (三千家), bao gồm: Urasenke (裏千家), Omotesenke (表千家) và Mushakoujisenke (武者小路千家). Trong đó, trường phái Urasenke là trường phái lớn nhất.

Sen no Rikyuu - nhân vật quan trọng nhất trong quá trình phát triển của trà đạo tại Nhật Bản.

Sen no Rikyuu – nhân vật quan trọng nhất trong quá trình phát triển của trà đạo tại Nhật Bản.

3. Nguyên liệu, dụng cụ cơ bản để pha trà và thưởng trà

– Matcha (抹茶) – bột trà xanh: Những lá trà xanh non sau khi rửa sạch và phơi ráo nước sẽ được đem đi xay nhuyễn thành dạng bột mịn. Nhờ vậy, lá trà sẽ có màu xanh tươi và độ ẩm vừa phải, không bị ngả màu và khô những các loại trà lá. Tại Nhật Bản, vùng trồng trà xanh làm matcha nổi tiếng nhất chính là thành phố Uji, tỉnh Kyoto.

Bột trà xanh matcha.

Bột trà xanh matcha.

– Kama (釜) – ấm đun nước: Kama thường làm từ đồng hoặc sắt để dẫn nhiệt tốt, phình ra ở giữa, đáy có thể bằng, tròn hoặc vuông. Quai ấm là quai rời nên hai bên Kama sẽ có hai tai nhỏ để mắc quai vào khi xách hoặc treo ấm. Nắp của ấm cũng là nắp rời: nắp sẽ được mở ra khi bắt đầu pha trà, và đóng lại khi khách đã uống xong số trà mong muốn.

Ấm đun nước pha trà.

Ấm đun nước pha trà.

– Furo (風炉) – lò đun nước di động: Furo thường được sử dụng vào mùa xuân – hè, có thể làm bằng đồng, sắt hoặc đất sét, trên miệng lò có một cửa nhỏ để thay than khi cần. Khi đun, lò được đặt trên một tấm gỗ để tránh làm cháy chiếu tatami trong phòng.

Lò đun nước di động với phần viền được khoét hở để thay than.

Lò đun nước di động với phần viền được khoét hở để thay than.

– Ro (炉) – lò đun nước cố định: Ro thường được sử dụng vào mùa thu – đông do đun sôi nước nhanh hơn và giữ nước ấm lâu hơn. Do Ro được làm âm dưới sàn, chiếu tatami trải trên sàn sẽ được khoét lỗ phù hợp để dễ dàng đặt ấm, thay than và dọn tro.

Lò đun nước cố định được làm âm dưới sàn.

Lò đun nước cố định được làm âm dưới sàn.

– Mizusashi (水指) – bát đựng nước lạnh: Mizusashi dùng để đựng nước đổ vào ấm đun, hoặc để đựng nước rửa các dụng cụ pha trà khác.

Mizusashi.

Mizusashi.

– Natsume (棗) hoặc Cha-ire (茶入) – hũ đựng trà: Natsume là hũ đựng trà nắp bằng, dạng bẹt, thường dùng khi pha trà loãng (usucha – 薄茶). Cha-ire là hũ đựng trà cao, thân thon dài, thường dùng khi pha trà đặc (koicha – 濃茶).

Natsume.

Natsume.

Cha-ire.

Cha-ire.

– Kensui (建水) – bát đựng nước rửa chén trà: Kensui có thể có hoặc không có hoa văn, được làm từ kim loại, gốm sứ hoặc gỗ, thường nông và hơi phình ra ở đáy. Sau khi buổi thưởng trà kết thúc, người pha trà sẽ múc nước vào chén trà để rửa chén, và số nước này sau đó sẽ được đổ vào Kensui.

Một chiếc bát Kensui.

Một chiếc bát Kensui.

– Chashaku (茶杓) – thìa lấy trà: Chashaku được chẻ từ một thân tre duy nhất, có dáng hơi cong, thon dài ở đầu và hơi phình ra ở cuối. Phần phình ra này chính là phần thìa để múc trà. Ngoài ra, dể dễ dàng uốn cong thì người ta thường để phần giữa cán thìa trùng với một đốt tre khi chế tác.

Thìa lấy trà.

Thìa lấy trà.

– Hishaku (柄杓) – môi múc nước pha trà: Hishaku được làm từ một thân tre hơi uốn cong với phần giữa cán môi trùng với một đốt tre, gắn với một chiếc gầu hình trụ. Người pha trà sử dụng môi để múc nước sôi từ ấm đun nước vào chén uống trà.

Môi múc nước pha trà.

Môi múc nước pha trà.

– Chasen (茶筅) – cây khuấy trà: Chasen được chẻ từ một thân tre duy nhất, có dạng giống như cây đánh trứng nhưng không chụm lại ở đầu. Cây khuấy trà có thể được làm từ nhiều loại tre khác nhau, và tuỳ vào loại vật liệu mà các đầu nan có thể mềm, cứng khác nhau. Người pha trà sẽ lựa chọn cây khuấy trà phù hợp với từng loại trà loãng hay đặc.

Cây khuấy trà.

Cây khuấy trà.

– Chawan (茶碗) – chén uống trà: Chawan là dụng cụ quan trọng nhất khi thưởng trà, thường được làm thủ công từ gốm sứ. Chawan có nhiều kích cỡ, độ nông sâu khác nhau và được trang trí bằng các hoạ tiết tượng trưng cho từng mùa. Thông thường, mùa hè sẽ dùng chén trà nông để trà nhanh nguội, còn mùa đông sẽ dùng chén trà sâu lòng để giữ trà ấm lâu hơn.

Một chiếc chén uống trà.

Một chiếc chén uống trà.

Do có rất nhiều dụng cụ để pha trà và thưởng trà nên bài viết đã rất dài rồi, GoToJapan xin hẹn các bạn ở số sau để nói về cách vào phòng trà và thưởng thức trà nhé!

———-

TRUNG TÂM DU HỌC VÀ NHẬT NGỮ GOTOJAPAN
– Hotline tư vấn : 0963 682 333 / 0246 276 5022
– Email: hoa.gotojapan@gmail.com
– Địa chỉ: 17 ngách 10 ngõ 121 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội, Hà Nội

DANH MỤC :