Theo thống kê của Tổ chức phụ trách về dịch vụ cho sinh viên tại Nhật Bản (JASSO), số lượng du học sinh người Việt Nam tăng mạnh từ hơn 3.000 người (năm 2008) lên đến 61.671 người (năm 2017). Tuy nhiên, có một mặt trái là gần đây, tỷ lệ du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản phạm pháp ngày càng tăng.
Mới đây, tại Hội thảo về du học Nhật Bản “Study in Japan Fair” do JASSO tổ chức với sự tham gia của 80 đại diện các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề Nhật Bản, đại diện Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM cho biết: Theo “Thống kê công dân nước ngoài” của Bộ Tư pháp Nhật Bản, số người Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản là 260.000 người, năm 2016 đã vượt Brazil, năm 2017 đã vượt Philippines, đứng thứ 3 trong số các nước có nhiều công dân cư trú ở Nhật. Theo đó, số thực tập sinh và lưu học sinh Việt Nam tăng nhanh. So với năm 2010, số lưu học sinh tăng 14 lần, thực tập sinh tăng 16 lần.
Tuy nhiên, hằng năm số người Việt Nam cư trú bất hợp pháp cũng tăng lên. Đặc biệt, số vụ người Việt Nam phạm pháp bị bắt giữ gia tăng. Theo thống kế của Tổng cục Cảnh sát Nhật Bản về tình hình tội phạm người nước ngoài, mặc dù số người Hàn Quốc, Trung Quốc cư trú ở Nhật Bản gấp 2-3 lần người Việt Nam, nhưng tiếc thay, số vụ người Việt Nam phạm pháp bị bắt giữ lại nhiều nhất. Đáng chú ý, mặc dù số lưu học sinh bị bắt giữ vì vi phạm pháp luật nhiều hơn so với số thực tập sinh bị bắt giữ vì phạm pháp, trong khi số lưu học sinh có xu hướng giảm, số thực tập sinh có xu hướng tăng.
Cũng tại hội thảo, đại diện Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM chia sẻ, hiện tại có nhiều học sinh và gia đình cứ đinh ninh rằng Nhật Bản là nơi đến để kiếm tiền, nên với “vỏ bọc” du học, số lượng lưu học sinh sang Nhật Bản đang tăng lên không phải với mục đích chính là học mà là… kiếm tiền. Đồng thời, có những công ty tư vấn du học đã đưa ra những thông tin sai lệch rằng: Đi du học Nhật Bản sẽ kiếm được 20-30 vạn yên/tháng (tương đương 40-60 triệu đồng/tháng) để khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam đi du học ở Nhật Bản. Và, để có thể lên đường sang Nhật Bản du học, nhiều gia đình đã phải thế chấp cả ruộng vườn nhằm vay được số tiền đến 400 triệu đồng để chi trả chi phí cho công ty tư vấn du học, đóng tiền học, tiền sinh hoạt phí, tiền nhập học, tiền vé máy bay…
Tuy nhiên, khi du học sinh sang Nhật Bản thì thực tế khó khăn hơn rất nhiều, khác với những thông tin ban đầu của các công ty tư vấn du học. Bởi theo luật pháp của Nhật Bản, du học sinh chỉ được phép làm việc dưới 28 tiếng/tuần, vượt quá 28 tiếng/tuần được coi là vi phạm pháp luật. Trong 28 tiếng/tuần, dù có cố gắng đến như thế nào đi chăng nữa du học sinh cũng chỉ kiếm được tối đa 10 vạn yên/tháng (tương đương 20 triệu đồng). Với thu nhập như vậy, du học sinh không thể chi trả được chi phí học tập và ăn ở. Vì thế, với những du học sinh đã vay mượn tiền ở quê nhà để đi du học, không còn cách nào khác là làm việc hơn 28 giờ/tuần, trái với quy định.
Hơn nữa, vì chưa nói được tiếng Nhật nên du học sinh Việt Nam chỉ có thể làm những công việc chân tay với mức thù lao thấp. Dù biết rằng đã bị các công ty tư vấn du học lừa gạt nhưng các du học sinh không thể trở về nước với món nợ lớn đang gánh trên vai. Không thể trả được tiền học cho các trường tiếng Nhật, du học sinh không tốt nghiệp được, lẩn trốn và trở thành đối tượng cư trú bất hợp pháp, khó khăn về kinh tế cũng sẽ khiến các em dễ có những hành vi vi phạm pháp luật.
Do đó, lời khuyên dành cho học sinh và gia đình muốn cho con đi du học Nhật Bản là phải tìm hiểu thật kỹ thông tin và không tin những lời quảng cáo hoa mỹ của một số công ty du học không uy tín, có dấu hiệu lừa đảo khi tư vấn rằng, đi du học Nhật Bản, du học sinh sẽ kiếm được nhiều tiền và có tiền gửi về cho gia đình. Đồng thời, gia đình muốn cho con đi du học tại Nhật Bản cũng phải cân nhắc khả năng tài chính để có sự lựa chọn phù hợp.
Nguồn: petrotimes.vn
Đăng ký nhận tài liệu và thông tin du học Nhật qua mail miễn phí: