SẮP XẾP THỜI GIAN MỘT CÁCH HIỆU QUẢ THỜI GIAN HỌC ĐẠI HỌC

 

Nếu bạn là sinh viên đại học ở Nhật  thì dù là người Nhật hay du học sinh nước ngoài, hầu hết sẽ trải qua những ngày tương đối bận rộn với lịch học, baito và sinh hoạt câu lạc bộ. Ngoài ra, bạn không chỉ có nhiệm vụ học tập theo lịch học như trước đó mà bạn sẽ được trao “nhiệm vụ” tự lên lịch học cho mình. Bạn phải đảm bảo dự đủ số giờ học theo yêu cầu, đạt đủ tín chỉ để được học lên năm tiếp theo hoặc tốt nghiệp (nếu là sinh viên năm cuối), còn lại thời gian học sẽ do bạn tự sắp xếp. Điều này khá hữu ích khi giúp bạn tự do hơn trong việc cân bằng giữa việc đi học, baito và sinh hoạt ngoại khóa nhưng cũng khá nguy hiểm với những bạn không có thói quen tự quản lý thời gian, lên kế hoạch lâu dài vì rất dễ rơi vào trường hợp quá tải khi phải học quá nhiều môn. Do đó, bạn phải tự xây dựng cho mình một kế hoạch học tập phù hợp.

 

Thời gian biểu khi học đại họcA2

Đầu tiên, mình giới thiệu sơ lược về thời gian biểu của một trường đại học ở Nhật. Một tiết học thường kéo dài 90 phút, một ngày sẽ có khoảng 6-7 tiết học trải dài trong ngày từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Vì tự do lựa chọn và sắp xếp thời gian biểu nên mỗi bạn sinh viên đều có cho riêng mình một thời gian biểu riêng, không giống với bất kì sinh viên nào khác. Có những bạn sắp xếp tham dự 3 – 4 tiết học/ngày, có những bạn khác lại chỉ học 1 – 2 tiết học.

 

Trước khi quyết định đăng ký học môn nào bạn phải xác định được số lượng tín chỉ tối thiểu mà bản thân phải lấy được để đủ điều kiện học lên năm tiếp theo (進級条件ーしんきゅうじょうけん) và điều kiện tốt nghiệp (卒業要件ーそつぎょうようけん). Thông thường, hầu hết các trường đại học ở Nhật đều có quy định sinh viên phải lấy được tối thiểu 124 tín chỉ (thường thì mỗi môn là 2 tín chỉ) thì mới có thể tốt nghiệp. Trong đó có quy định cụ thể về số lượng tín chỉ phải lấy bao gồm:

  • 必修科目(ひっしゅうかもく): môn học bắt buộc, thường do trường sắp lịch sẵn, nếu không lấy được tín chỉ sẽ không thể tốt nghiệp.
  • 選択必修科目(せんたくひっしゅうかもく): môn học tự chọn bắt buộc, sinh viên bắt buộc phải lấy được tín chỉ trong một nhóm những môn mà trường quy định riêng cho từng ngành học
  • 選択科目(せんたくかもく): môn học tự chọn

 

Vậy phải đăng ký như thế nào để nâng cao hiệu quả trong quá trình học tập?

 Sau đây là những việc mà nhiều bạn áp dụng và mình thấy hiệu quả

 

  • Ưu tiên đăng ký môn học theo thứ tự 必修科目>>選択必修科目>>選択科目 (nếu số lượng tín chỉ bạn lấy được ở các môn 必修科目 và 選択必修科目 nhiều hơn số lượng được quy định thì số tín chỉ dư ra sẽ được cộng chung vào số lượng tín chỉ các môn 選択科目 ). Đăng ký theo phương pháp này sẽ giúp bạn không bỏ sót môn học quan trọng, hơn nữa, nếu bạn lỡ trượt thì cũng có thể đăng ký học lại ngay học kì sau hoặc tìm môn khác thay thế giúp hạn chế trường hợp vì không thể lấy được tín chỉ của môn học nào đó mà không thể học lên năm tiếp theo hay tốt nghiệp.A3

 

  • Tập trung lấy nhiều tín chỉ ở những năm 1,2,3 để sang năm thứ 4 có thể dành nhiều thời gian cho hoạt động tìm việc (就職活動) và viết luận văn tốt nghiệp. Thông thường số lượng tín chỉ tối đa bạn có thể đăng ký trong một năm học là khoảng 42 – 48 tín chỉ. Nhưng theo mình, bạn không cần phải cố gắng lấp đầy thời gian biểu của bản thân bằng việc lấy thật nhiều tín chỉ vì sẽ rất dễ dẫn đến quá tải. Bạn chỉ cần đăng ký khoảng 42 – 44 tín chỉ tương đương khoảng 21, 22 môn mỗi năm (10, 11 môn học mỗi học kì) chuẩn bị cho mỗi môn thật tốt để không bị trượt môn thì vẫn có đủ số lượng thậm chí vượt 124 tín chỉ khi kết thúc năm 3 đại học (mình đã thực hiện và thành công!). Thời gian còn lại bạn có thể đi làm thêm, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ ở trường hay đơn giản là nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè…

A4

  • Nên dành trọn một ngày để nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng: thông thường, ngoại trừ năm nhất đại học phải lệ thuộc khá nhiều vào thời gian biểu được trường sắp xếp với nhiều môn 必修科目 thì ở những năm tiếp theo nếu bạn sắp xếp khéo léo bạn sẽ luôn dành dành hẳn được một ngày để nghỉ ngơi sau một tuần học tập, làm việc căng thẳng không kể ngày cuối tuần. Mình thường sắp xếp ngày nghỉ đó vào Thứ Tư trong tuần, vì đó là giữa tuần, mình có thể nghỉ ngơi để có nhiều năng lượng và học tập hiệu quả hơn vào những ngày tiếp theo.

 

  • Bạn cũng có thể cân nhắc lựa chọn tham dự cùng môn học với bạn bè để có thể giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình học tập những khi bị ốm hoặc có việc bận đột xuất không thể lên lớp. Ngoài ra, nên xin nghỉ làm thêm khoảng 1-2 tuần trước các đợt thi cuối kì để tập trung ôn thi.

 

Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp ích được cho những bạn sắp sửa bước chân vào cánh cổng đại học ở Nhật để các bạn khỏi bỡ ngỡ và có được cho bản thân một thời gian biểu hợp lý, hiệu quả trong suốt quãng thời gian 4 năm đại học nhé.  

DANH MỤC :