Ở Nhật, mọi thứ đều rất đắt đỏ, vì vậy việc giảm chi phí cho các khoản chi tiêu hàng ngày của các du học sinh là điều cần thiết. Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp du học sinh Nhật tiết kiệm chi phí.
>Tiết kiệm chi phí du học với học bổng du học Nhật
1. Thuê nhà trọ xa thành phố
Để thuê một phòng trọ bình dân ở những thành phố sang trọng như Tokyo, bạn sẽ phải trả trên 60.000 Yên/ tháng (khoảng 8 triệu VNĐ). Đây là mức chi phí làm đau đầu các du học sinh. Lời khuyên cho các bạn đó là hãy thuê nhà ở vùng ngoại ô hoặc các vùng quê.
Chi phí thuê nhà ở các vùng ngoại ô hoặc các địa phương chỉ bằng một nửa hoặc thậm chí bằng 1/3 so với thuê nhà ở thành phố. Tuy vậy sẽ có đôi chút bất lợi trong việc đi lại. Nhưng bù lại các bạn sẽ tiết kiệm được cho mình một khoản tiền lớn, được tận hưởng không gian sống trong lành, sạch sẽ.
2. Tìm người ở ghép
Tại Nhật chi phí sinh hoạt trung bình tương đối cao, trong đó riêng tiền thuê phòng trọ khoảng 30.000 – 35.000 Yên/tháng (tương đương 8 – 9 triệu đồng/tháng) cho một phòng chừng 20m vuông ở các khu vùng ven. Nếu ở gần trung tâm Tokyo và Osaka, giá có thể gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Để khắc phục tình hình này các bạn nên chọn giải pháp ở ghép. Chỉ cần lướt qua một vài diễn đàn của các du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản có thể tìm thấy rất nhiều mẩu rao vặt như: “Tìm người ở ghép” hay “Cần tìm bạn ở chung”.
Ngoài ra, bạn có thể tận dụng tìm người cho thuê lại khi chỉ về nước nghỉ vài tuần đến 1 tháng. Đối tượng thuê có thể là sinh viên Việt Nam ở nơi khác tới du lịch, thực tập hoặc công tác trong thời gian ngắn. Người cho thuê có thể có thêm chút tiền trang trải chi phí còn người đi thuê cũng rất hài lòng vì ít có chủ nhà nào lại cho thuê thời gian ngắn với giá rẻ như vậy.
3. Tìm kiếm việc làm thêm
Theo quy định của Chính phủ Nhật Bản, sinh viên không được làm thêm quá 4h/ngày và 28h/tuần. Các bạn cần chú ý để không làm thêm vượt quá số giờ quy định này.
Nếu bạn có vốn tiếng Nhật tốt và chăm chỉ thì cơ hội tìm được việc làm có lương cao rất lớn. Bạn có thể liên hệ các phòng phúc lợi của trường hoặc gọi điện tới trung tâm giới thiệu việc làm để được hỗ trợ tìm kiếm việc làm.
4. Săn học bổng
Nếu nhận được học bổng do Chính phủ Nhật cấp thì vấn đề trang trải chi phí cho cuộc sống của các du học sinh là vô cùng nhẹ nhàng. Nhưng rất nhiều bạn trẻ sang Nhật theo hình thức tự túc nên cuộc sống đắt đỏ khiến nhiều bạn choáng váng.
Lời khuyên cho các bạn là hãy tự săn cho mình một suất học bổng, sẽ giúp bạn giảm phần nào áp lực về chi tiêu. Ngoài chế độ cấp học bổng cho du học sinh của chính phủ Nhật Bản (Bộ Khoa học và Giáo dục Nhật cấp), còn có các loại học bổng do Quỹ trợ giúp học sinh Nhật Bản (JASSO – một tổ chức hành chính pháp nhân độc lập) hay các chính quyền địa phương, các quỹ giao lưu quốc tế, các quỹ học bổng tư do các tập đoàn, công ty lớn cấp…
5. Săn hàng giảm giá
Thông thường, giá hàng hóa ở Nhật khá đắt đỏ, có thể gấp 4-5 lần ở Việt Nam. Nếu không quá cần thiết, các bạn hãy đợi tới khi chúng được giảm giá để vừa có được món đồ tốt mà giá hợp lý.
Một cách khác, các bạn có thể đi chợ Chồm hổm gần giống như chợ trời Việt Nam. Chợ thường mở trên khu đất rộng, thoáng mát và dân chúng từ các nơi tập trung đến. Tại chợ có đầy đủ quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, đồ trang sức, băng đĩa, truyện tranh… tất cả vẫn còn rất mới nhưng giá bán thì cực rẻ. Ở đây, các bạn ấy cũng được mặc cả khi mua hàng.
6. Mua sắm ở khu chợ đồ cũ
Ngoài ra, các bạn có thể mua sắm ở khu chợ đồ cũ. Vào khoảng thời gian bắt đầu các kỳ học (tháng 4 và tháng 10 hàng năm) có nhiều chợ đồ cũ để sinh viên có thể mua các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu (đa phần là hàng đã qua sử dụng): Chăn, đệm, quần áo, nồi cơm điện, máy sưởi, bát đũa, xe đạp… với giá rất rẻ.
Những khu chợ đồ cũ ở Tokyo thường được các bạn sinh viên lui tới là Meiji và chợ đồ cũ baza ở Shinjuku. Thay vì phải bỏ ra hàng chục nghìn Yên cho một chiếc xe đạp, nếu khéo chọn thì chỉ với chừng 6000 – 7000 Yên cũng đã có một “chú ngựa sắt” ưng ý. Một khi đã có xe, nhất là xe máy các bạn nam cũng rỉ tai nhau rằng hãy tự trang bị một bộ đồ nghề sửa xe nếu không muốn bị “chém” đẹp.
7. Mua thực phẩm với số lượng lớn khi đi chợ
Một “chiêu” nữa mà các du học sinh hay áp dụng để giảm chi phí đó là mua với số lượng lớn thực phẩm, thức ăn mỗi khi đi chợ. Thay vì mua đủ dùng cho một bữa và chịu mức giá cao, nhiều bạn rủ nhau cùng mua nhiều thực phẩm sau đó chia ra hoặc về để tủ lạnh ăn cả tuần. Những ai mua đồ ăn chín thì tầm 18 giờ, một số cửa hàng bắt đầu giảm giá nên 1 suất cơm hộp 500 Yên có thể giảm giá chỉ còn một nửa.
Ngoài ra để tiết giảm tiền gas và điện, nước vốn khá cao, thư viện luôn là địa điểm học tập lý tưởng, vừa có thể tiết kiệm chi phí thắp sáng, sưởi ấm vừa có thể tận dụng nguồn sách tham khảo, giáo trình tại đây. Các thư viện ở Nhật khá “hào phóng” khi luôn trang bị sẵn máy photocopy cho sinh viên sử dụng.
8. Sử dụng Internet miễn phí
Thay vì ngồi ở nhà dùng máy tính tiền điện và tiền mạng thì bạn hãy tới trường học và truy cập internet miễn phí.
Việc xây dựng một kế hoạch tài chính cụ thể, tiết kiệm chi tiêu để có thể theo học đến cùng chính là quyết tâm của mỗi người khi du học tại Nhật.
———————————-